Truyền thuyết về trầm hương

Ngày đăng: 14:06 PM, 27/07/2024 - Lượt xem: 43

Truyền thuyết về trầm hương tại xứ trầm khánh hòa gắn liền với Mẹ xứ sở Thiên Y A Na - Po nagar

Truyền thuyết về trầm hương

Truyền thuyết về trầm hương tại xứ trầm khánh hòa gắn liền với Mẹ xứ sở Thiên Y A Na - Po nagar

 

 

Người Việt ở Khánh Hòa đã tiếp thu nhiều điều từ người Chămpa trong việc sử dụng, khai thác và cả những câu chuyện truyền thuyết về trầm hương.

 

Và các tư liệu tín ngưỡng dân gian của người Chăm và người Việt đã chứng minh: Pô Inư Nưgar của người Chăm (Po Nagar – mà người Việt gọi là Thiên Y A Na) là nữ thần sinh ra cây trầm hương, loại cây hương liệu nổi tiếng trên thế giới của Chăm Pa ngày xưa và của Việt Nam ngày nay.

Theo dòng tư liệu lịch sử

Trong các tài liệu bia ký ở khu đền thánh mẫu Po Nagar cho biết Pô Inư Nưgar là nữ thần mẹ của xứ Kauthara (nay là tỉnh Khánh Hòa) gọi là Mẹ xứ sở.

 

Sau này khi tiếp nhận vị thần này của người Chăm để tiếp tục thờ phụng, người Việt vẫn theo tinh thần của người Chăm – gọi Pô Inư Nưgar là Thiên Y Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

 

Trong các bài cúng mà các ông thầy người Chăm thường tụng trong các dịp cúng lễ thần hiện nay, nữ thần Pô Nagar hiện lên không chỉ là Thần Mẫu tạo lập ra xứ sở và vạn vật mà còn là thần Mẹ của cây trầm hương.

 

 

Trầm hương – sản vật đất trời

 

Ngay từ đầu thế kỷ XX, ông Cabaton đã sưu tầm được bài cúng nữ thần có nội dung như sau: “Ngày xưa, thần Inư Nưgar sinh ra đất, gỗ trầm, lúa gạo. Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Yan Inư Nưgar mà phát hương thơm tỏa ra. Không gian bao quanh, từ Yan Inư Nưgar, nức hương thơm của lúa…”.

 

Rồi thì sự gắn kết giữa nữ thần với cây trầm còn được thể hiện trong các truyền thuyết về Po Nagar hay Thiên Y A Na của người Chăm và người Việt thông qua các chi tiết nữ thần nhập thân vào cây trầm rồi từ cây trầm hiện thân ra.

 

Không chỉ trong các thư tịch cổ hay trong các bài cúng mà trên thực tế, người Việt ở Khánh Hòa, nhất là những người đi tìm trầm (hay còn gọi là người đi điệu / đi địu– phu trầm) cho đến hôm nay vẫn tin rằng trầm hương (kỳ và trầm) là của bà Thiên Y A Na.

 

Vì trầm hương là của Bà Thiên Y A Na, nên Bà cho ai thì người ấy được; còn nếu Bà không cho thì dù người đó có đứng bên cây trầm cũng không tìm thấy. Bởi vậy, trước khi đi tìm trầm, người đi điệu phải dâng lễ cúng Bà.

Các địa danh gắn với Mẹ xứ sở Ponagar

Một số danh thắng nổi tiếng của tỉnh Khánh Hoà cũng có những gắn kết với thần mẫu trầm hương Thiên Y A Na.

 

Ví dụ, Hòn Bà nằm ở phía tây nam huyện lỵ Ninh Hoà, nơi có nhiều trầm hương, là núi mà dân địa phương coi là của Bà Thiên Y A Na nên gọi là núi Bà. Trên núi có miếu thờ. Dân đi tìm trầm, trước khi vào rừng đều phải đến miếu cầu khấn để xin Bà ban phước được gặp trầm.

 

Tượng thờ Thánh mẫu Ponagar

 

Nằm sát Ninh Hoà và Diên Khánh, có núi Hòn Dữ. Vì là núi của Bà Thiên Y, nên rừng Hòn Dữ có rất nhiều trầm hương.

 

Tại suối Đổ (trong địa phận làng Phước Trạch, vùng phía tây dãy núi Hoàng Ngưu) có những truyền thuyết nói đây là nơi mà Bà Thiên Y hay đến ngồi hóng mát và là nơi có cây trầm hương to đến 4 người ôm và dài đến hơn 10 thước, thường toả hương trầm ngan ngát khắp nơi. Tại đây, ở nơi hồ thấp nhất trong ba hồ, có đền thờ Bà Thiên Y.

 

Suối Cát thuộc địa phận huyện Ninh Hoà cũng được tương truyền là nơi Bà Thiên Y hay đến ngồi hóng mát. Xung quanh nơi đây có rât nhiều cây dó (giống cây sinh ra trầm hương) và có rất nhiều cọp. Mà theo dân gian truyền lại, trong số cọp này có những người ngậm ngải tìm trầm lâu ngày không về được phải hoá thành cọp sau khi ngải tan hết.

 

Một địa danh nữa có tên là Suối Ngổ ở phía đông bắc Diên Khánh cũng là nơi được coi là vùng lãnh thổ của Bà Thiên Y A Na vì ở đó có nhiều cây dó sinh trầm hương.

Các sự tích, huyền tích kỳ lạ và bí ẩn về Bà chúa Trầm hương

Trầm Hương mang trong mình nhiều giai thoại kỳ bí – đặc biệt là Trầm hương Khánh Hòa lại mang màu sắc thiêng liêng và đặc biệt hơn hết thảy bởi nó gắn liền với truyền thuyết Nữ thần Thiên Y A Na, theo tiếng Chăm là Pô Nagar (Ponagar) – Bà Mẹ Xứ Sở.

 

Khu di tích tháp bà Po nagar

 

Bà là người tạo nên cây cỏ cây vạn vật trong cõi nhân gian. Ngoài ra, Bà còn có công trong việc khai hóa và đem con người ra khỏi bóng tối lạc hậu. Bà dạy nhân dân cách cày cấy, kéo vải, dệt sợi,… Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Trong ánh hào quang của Thần Ponagar luôn có hương thơm cao quý của Trầm Hương. Chính vì vậy, Trầm Hương xứ Khánh luôn được người dân nơi đây coi trọng và thành kính.

 

Một sự tích khác:

Nữ thần Thiên Y A Na thường hay dạo chơi trong những cánh rừng ở Đăk Lăk, Khánh Hòa. Hương thơm của nữ thần tỏa ra, quyện vào cây trầm, nên về sau gỗ trầm còn vương mãi “mùi thơm thần thoại”.

 

Và một câu chuyện cổ tích ly kỳ:

Truyền thuyết kể rằng, nghề đi trầm có gốc gác từ vùng đất thánh Pô Nagar dưới chân núi Đại An (Diên Khánh, Khánh Hòa). Nữ thần Thiên Y A Na là tổ sư của nghề với giai thoại về sự xuất thân, hiển linh hết sức linh thiêng và huyền bí.

 

Cổ sử có chép, vùng đất Khánh Hòa từng là mảnh đất xứ trầm hương của vương quốc Chăm Pa một thời hùng mãnh.

 

Đây là vùng đất phát tích nhiều câu chuyện thần bí về sự tích hiển thân các vị thần. Một trong số đó có nữ thần Thiên Y A Na phù hộ độ trì cho những phu trầm trên con đường hành lộ ngậm ngải tìm trầm hương. Nữ thần có tên là Thiên Y A Na theo tiếng Chăm là Pô Nagar, được sinh ra từ bọt biển và ánh sáng ở ngoài biển khơi muôn trùng.

 

Một góc khuôn viên tháp bà Ponagar

 

Thuở xưa ở núi Đại An có cặp vợ chồng già nhưng hiếm muộn con ngày ngày trồng dưa ở triền núi. Nhưng mỗi khi dưa chín được trái nào thì lại mất trái đó. Sau một thời gian dài, hai vợ chồng ông bắt hoài nghi và tìm cách bắt tên ăn trộm.

 

Đúng như suy đoán của hai vợ chồng ông lão, tối hôm đó lúc đang canh dưa thì phát hiện một cô bé xinh đẹp đến hái trộm dưa trong vườn. Lúc này ông lão mới chạy đến bắt quả tang. Nhưng vì thấy cô bé còn nhỏ, xinh xắn nhưng lại không có cha mẹ, nên hai vợ chồng già đem về nhà nuôi và xem như con đẻ của mình.

 

Một hôm bỗng trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô gái lấy đá chất thành 3 hòn non bộ giả, rồi lấy hoa lá cắm lên trên đó cho vui. Thấy cô bé chơi trò không hợp với lứa tuổi nên ông lão rầy la. Trong lúc buồn, chợt thấy khúc kỳ nam theo dòng nước trôi đến, cô gái liền hóa thân vào khúc kỳ nam kia để cho sóng dạt ra khơi vào cập vào đất Trung Hoa.

 

Hương thơm từ khúc kỳ nam tỏa ra ngào ngạt khiến cho nhiều người hiếu kỳ tìm đến xem. Lúc này, người dân địa phương tụm lại để mang khúc kỳ nam quý về nhà, nhưng dù có tập trung đông bao nhiêu cũng không nhấc lên nổi. Khi hay tin từ người dân báo về cung đình, thái tử Bắc Hải tìm đến để xem thực hư thế nào, thì khúc kỳ nam bỗng nhiên nhẹ tênh trong tay của thái tử.

 

Chân núi Đại An là nơi  nữ thần Thiên Y A Na hiện thân

 

Trong một đêm trăng sáng như cảnh thần tiên, thái tử vô tình thấy một người con gái xinh đẹp tuyệt trần hiện ra từ khúc kỳ nam đặt trên giá. Thái tử vội chạy đến ôm chầm lấy, và sau đó xin với đức vua được cưới nàng làm vợ.

 

Sau một thời gian chúng sống trong cung điện lộng lẫy, một hôm nàng bỗng nhớ đến cha mẹ nuôi ở xứ Đại An nên đã hóa thân vào khúc kỳ nam để thả trôi trên biển tìm về với quê nhà.

Khi ngang qua vườn dưa cũ, mọi thứ vẫn còn đó nhưng hai vợ chồng ông lão đã qua đời từ lúc nào. Quá đau buồn trước sự ra đi của cha mẹ nuôi, Thiên Y A Na đã nhỏ lệ khóc thương, rồi sau đó xây đắp mộ tử tế cho hai người.

 

Để trả ơn cho mảnh đất đã cưu mang nàng suốt thời gian qua, Thiên Y đã dùng tay hóa phép thành 4 cây trầm hương quý trấn ở 4 hướng đông tây nam bắc ở mảnh đất Khánh Hòa, rồi sau đó cưỡi hạc bay về trời mất tích.

 

Đó là:

  • 1 cây ở Đồng Bò (Thành phố Nha Trang) trấn ở phía Nam;
  • 1 cây ở Hòn Bà (thuộc huyện Ninh Hòa) trấn ở phía Bắc);
  • 1 cây ở Hòn Dữ (huyện Diên Khánh) trấn phía Tây;
  • Và 1 cây ở núi Hoàng Ngưu (huyện Diên Khánh) trấn ở phía Đông.

Những cây trầm này, theo dân gian truyền tụng, không còn lá, không còn giác, mưa nắng không thể làm hư mục được và có chim muông, cọp rắn canh giữ không cho ai lấy.

Tập tục của phu trầm

Không chỉ biết phân biệt giá trị của các loại trầm hương, người Việt vùng Khánh Hoà còn rất có kinh nghiệm  về những điều kiêng kỵ khi đi lấy trầm.

 

Do đi nhiều và sử dụng nhiều để buôn bán và để dùng, người dân Khánh Hòa biết trầm ở đâu trong tỉnh mình là tốt nhất. Tri thức dân gian đó đã được đúc kết vào câu ca dao:

“Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá, trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm…”

 

Vì đi lấy trầm là phải đi lâu ngày và phải vào rừng sâu, núi thẳm nên người phu trầm ngoài lương thực còn phải mang theo loại thuốc đặc biệt chống khí độc rừng núi, trị các bệnh hiểm nghèo, phòng rắn rết…được gọi là ngải do các ông “thầy mo” miền thượng (Tây Nguyên) bán cho.

 

 

Khi đi vào rừng tìm trầm, người đi điệu phải ngậm ngải vào miệng. Vì thế mới có câu “ngậm ngải tìm trầm”. Rồi thì, theo tương truyền, trước khi đi tìm trầm, người đi điệu phải xem được ngày tốt mới xuất hành, phải ăn chay ba ngày trước và phải sắm lễ vật vào rừng dâng lễ cầu khấn Bà Thiên Y A Na là vị chúa tể các khu rừng Khánh Hòa (xứ Kauthara của Chiêm Thành) đồng thời cũng chính là hiện thân của cây trầm để cầu xin Bà cho được thành công…

Tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na

Không chỉ những phu trầm mà tất cả những người đã bước chân vào nghề “địu” là phải biết đến những tín ngưỡng này. Bởi họ luôn tin rằng dù ở đâu đi chăng nữa thì cây trầm hương cũng là hóa thân của vị nữ thần cao quý Thiên Y A Na nên phải biết cung kính trước Người.

 

Hơn nữa, con đường của những phu trầm thường thăm thẳm hiểm nguy vì phải sống trong những khu rừng âm u một thời gian dài. Những người phu trầm rất thận trọng tránh những sơ xuất mạo phạm đến thần thánh. Bởi họ tin rằng, thế giới tâm linh cũng tồn tại như con người đang sống, và mình tôn trọng họ thì họ mới giúp đỡ mình được.

 

Dân đi địu ngoài việc chọn bầu trưởng (người dẫn đầu nhóm phu trầm – còn gọi là Bầu địu), phải chọn những người hợp tuổi để đi cùng nhóm với nhau. Một nhóm khoảng 7-15 người tùy vào từng đoàn. Bầu địu thường là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề phu trầm, ngoài ra còn phải biết cách điều hành nhóm và quan trọng nhất là Bầu địu phải thuộc các nghi lễ cúng kính trước khi vào khai thác trầm, có khi mang theo tượng của Nữ thần Thiên Y A Na.

 

Phu trầm được cử này sẽ phải làm lễ “thỉnh tượng” từ tay các thầy mo có tiếng tăm trong làng về nhà mình. Rồi sau đó sẽ lau chùi sạch sẽ, bỏ vào lồng kính một cách trang nghiêm như thờ cúng tổ tiên.

 

Dân đi trầm thường tâm niệm rằng các con vật trong rừng đều là hóa thân của thần thánh nên phu trầm rất kiêng gọi tên trực diện mà thường nói trại sang một số tên gọi khác.

 

Ví như khi gọi tên con cọp thì gọi thành “ông Thầy”, rắn thì được gọi là “cô dài”, trăn thì gọi là “Ngựa Bà”, heo thì gọi là “Dủi”…

 

Một nhóm người săn kỳ nam quê ở Vạn Ninh – ảnh: Báo Thanh Niên

 

Tương tự như thế đối với những loại khác như gạo (Me), muối (Diêm), đi lạc đường (lục xính), bị chảy máu (chảy mắm).

 

 

Bởi vì sợ Thánh nữ quở phạt nên đa số những phu trầm thường hạn chế ăn thịt, và kiêng kị nhất là đối thịt kỳ đà (vì sợ xui xẻo) và thịt trăn, rắn (vì đây là vật cưỡi của Thánh nữ).

Sau khi đã đi đến được khu rừng cần tìm kiếm trầm, Bầu địu sẽ tìm một bãi đất trống trãi và sạch sẽ, sau đó bảo những người trong nhóm đặt những vật dụng cúng kính lên trên tấm thảm mỏng trải dưới nền đất. Sau khi đốt nhang xin phép với “thần rừng” thì mọi người bắt đầu dựng trại để nghỉ ngơi qua đêm.

 

Đến tờ mờ sáng hôm sau thì tất cả đều thức dậy để chuẩn bị làm lễ cúng kính trước khi vào rừng.

13 mâm lễ cúng

Điều đáng chú ý đối với những người dân địu là lễ cúng của họ phải đầy đủ 13 mâm và chủ yếu được cúng bằng đồ chay.

 

Mâm cỗ đem đến cúng thường là xôi trắng, cháo trắng, bánh kẹo, nhang đèn và đặt biệt là phải có vài cây nhang làm từ trầm. Sau đó, mọi người lựa chọn những hòn đá vuông vén để đặt những đồ cúng này lên trên và Bầu địu có trách nhiệm sắp xếp giấy bạc để chuẩn bị cúng.

 

Lễ phải chia thành 13 mâm và mâm cúng dành cho “Bà cậu 2” (là tên gọi của dân địu dùng để chỉ thánh mẫu Thiên Y A Na) là lớn nhất, đặt ở giữa và ở vị trí cao nhất so với các mâm còn lại.

 

Sau khi tắm rửa sạch sẽ thay áo quần tươm tất, Bầu trưởng sẽ tiến hành lễ cúng.

 

Nghi lễ này bắt đầu từ trước giải phóng, và những phu trầm thực thụ thì mới biết đến những nghi lễ này. Những phu trầm đời sau cũng thực hiện nghi lễ nhưng với cách thức đơn giản hơn.

 

Toàn cảnh tháp bà ponagar Nha Trang

 

Nội dung của nghi lễ này là nhằm cầu mong cho Nữ thần trầm hương ban cho phước lành để dân địu may mắn trúng được loại trầm quý. Vì ai cũng biết nữ thần chính là Bà chúa cai quản trầm hương ở mọi cánh rừng, và chỉ có cách dâng lễ để mong bà ban “lộc” cho những phu trầm, cầu ban sự bình an cho mỗi người.

 

Đó cũng chính là tâm thức ngàn đời của những người đi trầm nơi đây vẫn tin, ký thác vào đất mẹ như một sự kỳ vọng cho ngày mai tốt đẹp hơn.

 

Trầm hương và tầm quan trọng của việc duy trì và làm sạch nó thường xuyên

Trầm hương và tầm quan trọng của việc duy trì và làm sạch nó thường xuyên


Notice: Undefined index: ratings in /var/www/vuawebnhanh.vn/web/templates_c/10e200aa27f498df86101f9d9a44c4f529391461_0.file.detail.tpl.php on line 95
14:06 PM, 27/07/2024
Trầm hương là một loại cây có hương thơm đặc biệt và đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nó không chỉ mang lại một mùi hương dễ chịu mà còn có nhiều tác động tích cực đến tâm trạng và sức khỏe...
Trầm Hương và tác động của nó đến tình dục và năng lượng tình dục

Trầm Hương và tác động của nó đến tình dục và năng lượng tình dục


Notice: Undefined index: ratings in /var/www/vuawebnhanh.vn/web/templates_c/10e200aa27f498df86101f9d9a44c4f529391461_0.file.detail.tpl.php on line 95
14:06 PM, 27/07/2024
Trầm Hương là một loại nhựa thơm tự nhiên có nguồn gốc từ cây trầm hương, và nó đã được sử dụng trong nhiều nền văn hóa khác nhau với mục đích tâm linh, chữa bệnh và thúc đẩy năng lượng tình dục...
Bí quyết nhận biết bột trầm hương thật

Bí quyết nhận biết bột trầm hương thật


Notice: Undefined index: ratings in /var/www/vuawebnhanh.vn/web/templates_c/10e200aa27f498df86101f9d9a44c4f529391461_0.file.detail.tpl.php on line 95
14:06 PM, 27/07/2024
Sự Phân Biệt Giữa Các Loại Đá Quý: Màu Sắc và Tính Năng Khác Biệt

Sự Phân Biệt Giữa Các Loại Đá Quý: Màu Sắc và Tính Năng Khác Biệt


Notice: Undefined index: ratings in /var/www/vuawebnhanh.vn/web/templates_c/10e200aa27f498df86101f9d9a44c4f529391461_0.file.detail.tpl.php on line 95
14:06 PM, 27/07/2024
Việc phân biệt và nhận biết các loại đá quý là một nhiệm vụ thú vị và hữu ích, đặc biệt nếu bạn yêu thích thế giới đá quý và đá quý tự nhiên. Các đá quý có sự đa dạng về màu sắc, độ trong suốt, và tính năng đặc biệt riêng, và việc hiểu rõ...